Minh Trí Computer

https://alovitinh.com


Công nghệ cấy ghép não có giúp con người điều khiển được đồ vật bằng suy nghĩ?

Khi khoa học phát triển đến một trình độ nào đó, chúng ta sẽ không còn có thể phân biệt được nó với phép thuật.
Công nghệ cấy ghép não có giúp con người điều khiển được đồ vật bằng suy nghĩ?
Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu hôm nay, bạn đi ngang qua một nhà trẻ và thấy một đứa bé đang chơi đùa với những món đồ chơi lơ lửng trước mặt. Đứa trẻ với khả năng telekinesis - nhấc hoặc di chuyển đồ vật bằng tâm trí – chắc chắn sẽ trở thành một hiện tượng của thế giới, một đứa trẻ siêu nhân, một "Incredible baby" ngoài đời thực.

Nhưng một trăm năm nữa, có thể những đứa trẻ như thế này sẽ không còn là hiện tượng lạ nữa. Một số nhóm các nhà khoa học đang đốt hàng triệu USD để cố gắng biến giấc mơ telekinesis trở thành hiện thực ngay trong thế kỷ này. Họ chọn tiếp cận khả năng siêu nhiên này bằng các công nghệ cấy ghép não. 
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nó có khả thi về mặt khoa học hay không? Gizmodo đã hỏi một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực để giúp bạn trả lời thắc mắc đó:
 
Công nghệ cấy ghép não có giúp con người điều khiển được đồ vật bằng suy nghĩ? - Ảnh 1.

Bradley Voytek
Phó Giáo sư Khoa học Nhận thức tại Viện Khoa học Dữ liệu Halıcıoğlu và Chương trình Sau đại học về Khoa học Thần kinh tại Đại học California San Diego
Một câu trả lời mang tính học thuật cho câu hỏi này: Chúng ta gần như sẽ có thể đạt được telekinesis. Mục tiêu cần nhắm đến để đạt được nó là phải đọc được các tín hiệu từ não và chuyển những tín hiệu đó thành hành động ngoài đời thực. Chúng ta càng có khả năng đọc ra nhiều tín hiệu não (với độ nhiễu thấp) thì chúng ta càng có thể kiểm soát thế giới bên ngoài nhiều hơn.
Nhưng kịch bản này có một điểm nghẽn lớn nằm ở chỗ: Liệu chúng ta có thể chú ý đến bao nhiêu thứ cùng một lúc? Một số người trong số chúng ta không thể vừa xoa bụng vừa vỗ tay vào đầu! Vì vậy, sẽ hơi tự phụ khi nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có thể sử dụng chỉ một bộ não để nhặt rau trong nhà bếp đồng thời rót đồ uống và viết ghi chú cùng lúc.
Ngoài ra, thật không may cho các kỹ sư, hệ thống sinh học bao gồm cả tế bào thần kinh trong não chúng ta phát ra rất nhiều tín hiệu nhiễu, thứ mà máy tính không thể đọc nổi. Càng nhiều nhiễu, máy tính càng khó có thể giúp chúng ta điều khiển thế giới bên ngoài.
Vì vậy, điều cuối cùng bạn cần có ở đây là một thiết bị đọc được mọi tín hiệu điện đi lạc từ não của bạn và làm cho mọi thứ xung quanh dịch chuyển được. Nếu chúng ta chỉ định nghĩa telekinesis đơn giản là "di chuyển các đồ vật mà không cần chạm cơ thể mình vào đó" thì vâng —chúng ta đã có thể làm điều đó với các loại hình cấy ghép não có mặt ở thời điểm này.
Hiện tại trên thị trường thậm chí đã có những món đồ chơi cho phép bạn làm điều đó mà không cần cấy ghép não – bạn chỉ cần đội một chiếc mũ điện não đồ để có thể đọc được tín hiệu từ 86 tỷ tế bào thần kinh trong não. 
Và tín hiệu đó có thể đủ cho phép bạn điều khiển một robot di chuyển về phía trước hoặc phía sau hoặc làm một thứ gì đó. Trước khi món đồ chơi này được bán ra thị trường, các nhà khoa học đã có thể làm điều đó từ vài thập kỷ trước.
Nhưng dường như điều này không thực sự đúng với tinh thần của câu hỏi cho lắm. Những gì chúng ta thực sự muốn là có thể nhìn vào một thứ gì đó và khiến nó bay lên trong không trung. Nó phải giống như Jean Grey làm trong X-Men, chỉ cần sử dụng sức mạnh của trí óc chứ không phải đội chiếc mũ ngốc nghếch chỉ để khiến một chiếc xe đồ chơi nhỏ bé lao về phía trước một đoạn ngắn.
Nếu vậy, chúng ta sẽ cần phóng khoáng một chút trong tưởng tượng và lấy thêm một chút cảm hứng từ khoa học viễn tưởng. Chẳng hạn hãy nghĩ đến bộ giáp của Iron Man. Các bộ giáp của Tony Stark thực chất được điều khiển trực tiếp thông qua giao diện thần kinh gắn với bộ não của anh ấy.
Trên lý thuyết, nếu chúng ta có thể có được một cấy ghép não đủ nhỏ và đọc được mọi tín hiệu trong não cùng lúc, thì telekinesis hoàn toàn khả thi về mặt lý thuyết. Càng đọc được nhiều, chúng ta càng có thể kiểm soát được nhiều hơn.
Hãy tưởng tượng bạn có thể điều khiển một máy bay không người lái — hoặc một đội máy bay không người lái — bay vòng quanh và nhặt đồ cho bạn. Điều này giống như "telekinesis", nhưng thực sự thì nó vẫn rất dễ bị nhiễu.
Vì vậy, chúng ta sẽ không chỉ cần đến một cấy ghép não hoàn hảo mà còn cần các hệ thống điều khiển thông minh hơn cho máy bay không người lái hoặc bất cứ thứ gì khác giúp chúng ta dịch chuyển được các vật thể xung quanh mình.
 
Công nghệ cấy ghép não có giúp con người điều khiển được đồ vật bằng suy nghĩ? - Ảnh 3.

Andrea Stocco
Phó giáo sư tại Khoa Tâm lý học và Viện Khoa học Não bộ và Học tập (I-LABS), giám đốc Phòng thí nghiệm Động lực học và Nhận thức Vỏ não
Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa "telekinesis" như thế nào? Nếu bạn nghĩ về nó giống với những gì thấy trong phim hoạt hình, rằng bạn muốn "tác dụng lực lên bất kỳ vật thể nào, bất kỳ lúc nào, thông qua sức mạnh của tâm trí, mà không có sự trung gian của bất kỳ loại lực cơ học hoặc lực điện từ nào đã biết", thì telekinesis thực sự vượt ra ngoài tầm với của vật lý và cấy ghép não.
Nhưng nếu bạn hài lòng với một phiên bản trần tục hơn, trong đó bạn có thể tác động lực lên bất kỳ vật thể nào thông qua các lực vật lý đã biết, thì câu trả lời sẽ khác. Nếu bạn hài lòng với cách gọi "telekinesis" là hoạt động của các cánh tay robot từ xa thông qua tín hiệu vô tuyến hoặc hữu tuyến, hoặc điều khiển các đối tượng phần mềm (như con trỏ chuột trên màn hình, ứng dụng điện thoại), thì tất cả những điều này chắc chắn có thể thực hiện được với cấy ghép não.
Và tôi nói "chắc chắn" bởi vì tất cả các ví dụ trên đã được thực hiện. Một loạt các nhà khoa học và kỹ sư như: Andy Schwarz đã phát triển các mảng điện cực cấy ghép ở người và động vật linh trưởng, đem lại khả năng điều khiển các cánh tay robot có khớp nối.
Rajesh Rao đã phát triển các giao diện dựa trên điện não đồ EEG để kiểm soát hoàn toàn các cánh tay robot và thậm chí cả các robot tự động cỡ nhỏ. Miguel Nicholelis đã phát triển các giao diện dựa trên điện não đồ để điều khiển các khung xương trợ lực gắn ngoài cơ thể, chứng minh một người bị liệt có thể sử dụng nó để đi bộ và thậm chí đá bóng.
 
Công nghệ cấy ghép não có giúp con người điều khiển được đồ vật bằng suy nghĩ? - Ảnh 4.

Tất nhiên, dù đã có thể làm được nhiều việc, những công nghệ này vẫn còn khá vụng về và chưa đạt được độ nhỏ gọn và di động cần thiết. Nhưng ít nhất chúng đã cho thấy rõ ràng những gì mà chúng ta có thể đạt được.
Vì vậy, telekinesis thoạt nghe có vẻ giống như ma thuật, nhưng như Arthur Clarke đã từng nói: "Mọi công nghệ phát triển đến trình độ đủ tiên tiến sẽ đều không còn có thể phân biệt được với ma thuật"
Và mặc dù phiên bản phim hoạt hình của telekinesis là không thể về mặt vật lý, nhưng một phiên bản "công nghệ" của nó (điều khiển vật thể từ xa thông qua tín hiệu không dây và cấy ghép não) đã có thể được thực hiện.
Rajesh P.N. Rao
Giáo sư Khoa học Kỹ thuật Máy tính & Kỹ thuật Điện tại Đại học Washington, đồng Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thần kinh
Telekinesis có thể được thực hiện với giao diện não-máy tính và các đối tượng có bộ truyền động được kết nối không dây với giao diện đó hoặc internet. Trên thực tế vào năm 2006, phòng thí nghiệm của chúng tôi đã chứng minh được sự khả thi của một hình thức điều khiển từ xa đơn giản, với sự tham gia của một robot qua giao diện não-máy tính không xâm lấn.
Trong khi, những nhóm khoa học khác gần đây đã chứng minh khả năng điều khiển các cánh tay robot bằng cách sử dụng cấy ghép não. Với việc thế giới ngày càng tiến gần hơn đến "internet vạn vật" bao gồm các đối tượng và thiết bị được kết nối không dây, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có thể thiết kế các giao diện não-máy tính cho phép con người kết nối không dây và điều khiển bất kỳ thiết bị IoT nào xung quanh mình.
Stephen Helms Tillery
Nhà khoa học thần kinh tại Đại học Arizona.
Nếu coi "telekinesis" nghĩa là khiến các vật thể chuyển động mà không cần dùng đến cơ bắp, thì vâng, chúng ta đã vượt qua cột mốc đó cách đây gần 20 năm. Video dưới đây cho thấy một con khỉ đang điều khiển cánh tay robot bằng suy nghĩ của nó và chúng ta cũng có những phiên bản trên người giống như vậy.
 
 
 
Current Time0:02
/
Duration1:04
 
 
 
 
 
Auto
 
Một con khỉ sử dụng tín hiệu não để điều khiển cánh tay robot
Ngay cả ở khoảng cách xa hơn, phía trên bạn đã xem video một người đàn ông điều khiển một máy bay bằng một chiếc mũ điện não đồ.
Những điều này thực sự cho thấy rằng khi chúng ta nói về giao diện não-máy tính, chúng ta sẽ có thể khai thác sự tương tác đó để phát huy ý chí của chúng ta đối với bất kỳ thiết bị nào do máy tính điều khiển bao gồm những cánh tay robot, bộ khung xương gắn ngoài cơ thể và phương tiện giao thông như ô tô và xe lăn.
Những khả năng này là hoàn toàn tự nhiên, chưa có gì siêu nhiên vì lĩnh vực này đang chỉ tập trung vào việc sao chép lại các khả năng hiện có của con người, để giúp những người khuyết tật phục hồi khả năng vốn có của họ. 
Rất ít nhà khoa học chú ý đến những thứ khác mà tâm trí con người có thể kiểm soát. Vì vậy, giao diện não-máy tính sẽ không cho phép chúng ta phá vỡ các định luật vật lý, nhưng nó sẽ cho phép chúng ta có một trình điều khiển trực tiếp hơn với các công nghệ có thể có ảnh hưởng ở khoảng cách xa.
Hiện tại, chúng ta chỉ đang phải đối mặt với một điểm nghẽn ở bản chất thực tế của giao diện (đây là nơi Elon Musk đang đổ tiền của mình vào để giải quyết) và cách trích xuất các tín hiệu điện do não phát ra để sử dụng chúng điều khiển các thiết bị khác nhau.
Vượt qua điểm nghẽn đó, bạn muốn sử dụng giao diện não-máy tính để kiểm soát những thiết bị nào? Điều đó chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của bạn mà thôi.
Tham khảo Gizmodo
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây